Sáng 17.11,ệnvọngcủatôilàhọcsinhđượctắmnướcấfpt shop Ủy ban Dân tộc đã có buổi gặp mặt các thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023. Đây là hoạt động do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Tham dự chương trình có ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Mong hỗ trợ bữa ăn cho học sinh
Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình trong hành trình giảng dạy học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đặc biệt là ở những địa bàn vừa lên nông thôn mới (đạt chuẩn nông thôn mới - PV), chính sách đối với học sinh, giáo viên bị thay đổi khiến hoạt động giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Đặng Văn Lợi, giáo viên Trường TH-THCS Châu Quế Thượng (thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng, H.Văn Yên, Yên Bái), chia sẻ nhiều khu vực lên nông thôn mới thì không còn chế độ cho học sinh ăn bán trú nữa nên rất khó khăn.
"Có khi học sinh trong cùng một gia đình nhưng học ở khu A thì được ăn bán trú, khu B thì lại không, nên phụ huynh rất thắc mắc. Thực tế nhà trường vẫn phải vận hành như cũ, giáo viên vẫn phải trực 24/24 giờ vì trường ở gần sông Hồng, sểnh ra là học sinh ra sông tắm, có nguy cơ đuối nước. Tuy nhiên chế độ cho giáo viên bán trú cũng không còn…", thầy Lợi chia sẻ khó khăn và mong các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ.
Nhiều thầy cô giáo cũng chia sẻ: ở các trường học thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn nghèo, nên nếu không còn chế độ bữa ăn bán trú, phải vận động xã hội hóa là rất khó.
Thầy Nguyễn An Hảo (Trường TH-THCS Phan Dũng, tỉnh Bình Thuận) cũng cho biết khi không có chế độ cho học sinh thì áp lực của nhà trường và giáo viên rất lớn.
"Học sinh phải đóng phí như đồng bào miền xuôi, trong khi người dân chủ yếu bám rừng sinh sống. Việc phải đóng học phí, đặc biệt tiền bảo hiểm, rất áp lực. Nhà trường và giáo viên phải vận động xã hội hỗ trợ chi phí học tập và bảo hiểm cho học sinh. Các thầy cô phải đi xin gạo, trích tiền của mình mua thức ăn cho học sinh", thầy Hảo chia sẻ.
Thầy Lê Văn Thắng (Trường mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, TX.Sa Pa, Lào Cai) cũng cho biết, học sinh mầm non chưa có bữa ăn chiều nên nhà trường phải xã hội hóa. "Đối với đồng bào dân tộc, rất khó vận động vì đời sống bà con còn khó khăn, việc nộp tiền ăn cho con em rất khó. Vì vậy, tôi muốn nói tiếng nói của thầy giáo, để có chính sách hỗ trợ các em ăn bữa chiều, giảm áp lực cho giáo viên", thầy Thắng đề nghị.
Nhiều thầy cô khác cũng cho biết, ở nhiều trường miền núi còn thiếu thốn về trang thiết bị dạy học, nên đến tiết dạy tin học, giáo viên phải chở máy móc từ điểm trường chính xuống cơ sở xong lại chở về. Có nhiều nơi còn khó khăn về nguồn nước ấm cho học sinh vì ở miền núi thường rất lạnh.
Cô Hoàng Thị Huyền (giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học Nàn Xỉn, xã Nàn Xỉn, H.Xín Mần, Hà Giang) nói: "Ở vùng tôi công tác, mùa đông rất lạnh, nhưng bình nóng lạnh không có. Nguyện vọng của tôi là nếu có chương trình hỗ trợ thì mong được xin một ít để học sinh được tắm nước ấm", cô Huyền bộc bạch.
Cần nghiên cứu để có chính sách đồng bộ
Sau khi nghe đề xuất của các giáo viên, anh Nguyễn Kim Quy cho biết, đề nghị của các thầy cô giáo trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, là gợi mở cho tổ chức Đoàn, Hội có thêm những chương trình mới để hỗ trợ giáo dục. "Trong những năm qua chúng tôi đã có chương trình Trường đẹp cho em, Nhà vệ sinh cho em, có thể sẽ nghiên cứu ra mắt chương trình Nước ấm cho em", anh Quy nói.
Phát biểu tại chương trình, ông Nông Quốc Tuấn cho biết những ý kiến của thầy cô trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô là rất quý báu, để các bộ ngành điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn.
"Tôi đề nghị các vụ, đơn vị của Ủy ban tiếp thu ý kiến để tham mưu bổ sung chính sách. Đây là ý nghĩa thiết thực vì phục vụ việc đào tạo nhân lực tương lai cho đất nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phải bắt đầu và liên quan đến từng bữa ăn, nước ấm cho các cháu; cần nghiên cứu để có chính sách đồng bộ cho đối tượng học sinh từ mầm non trở lên", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng chia sẻ những khó khăn của thầy cô giáo trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô và cho rằng việc vượt qua những khó khăn đó là nỗ lực lớn, là sự hy sinh, hết lòng vì học sinh thân yêu của các thầy, cô giáo.
Đồng thời, ông Tuấn đánh giá cao sáng kiến của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các cơ quan liên quan trong 8 năm qua đã tổ chức thành công chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, qua đó tôn vinh, tuyên dương 458 nhà giáo tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.
"Mong rằng thời gian tới chúng ta tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để tôn vinh thêm hàng trăm, hàng nghìn thầy cô, những người đã luôn nỗ lực và bền bỉ vì sự nghiệp trồng người, một việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, khó khăn nhưng rất đáng tự hào ở những địa bàn khó khăn nhất của cả nước", ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã trao quà và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 58 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2023.